Được mệnh danh là kẻ nói dối vĩ đại, Tommaso Debenedetti, 47 tuổi người Italy, đã dựng lên hàng loạt thông tin giả mạo để đánh lừa người đọc. Mới ngày 28/6, Debenedetti tạo tài khoản Twitter mạo danh nhà xuất bản Alfred Knopf và loan tin Cormac McCarthy đã qua đời. Tất nhiên, nhà văn người Mỹ vẫn còn sống, nhưng nhiều thành viên Twitter, trong đó có cả báo USA Today, tưởng là ông không còn nữa.
Tài khoản Twitter của báo USA Today đưa tin nhà văn McCarthy qua đời sau thông tin giả mạo của Debenedetti tuần này.
“Chuyện này cho thấy điểm yếu của truyền thông. Tài khoản không hề đáng tin cậy, chỉ được tạo ra vài phút trước khi thông điệp giả mạo được phát đi, nhưng rất nhiều trang tin đã rơi vào bẫy. Thật không thể tin được”, Debenedetti trả lời Washington Post qua e-mail.
Tài khoản Knopf “chính chủ” thu hút tới 250.000 người theo dõi với hơn 11.000 lượt chia sẻ thông tin (tweet) trong khi tài khoản giả chỉ có 1.000 người theo dõi và bốn lần tweet.
Debenedetti là con trai của một nhà phê bình văn học nổi tiếng người Italy, Ở độ tuổi 20, ông dành nhiều thời gian thực hiện các bài đánh giá, phỏng vấn với hy vọng trở thành nhà báo tên tuổi. Không thành công, Debenedetti bắt đầu “sáng tác” những cuộc phỏng vấn với các nhân vật lớn như tiểu thuyết gia Philip Roth, nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky, Mikhail Gorbachov, Dalai Lama…
Chỉ đăng trên những tờ báo nhỏ ở địa phương và bằng tiếng Italy, Debenedetti kéo dài trò lừa trong vài năm mà không bị phát hiện. Mãi tới năm 2010, báo La Repubblica phỏng vấn Philip Roth về những gì ông đã “chia sẻ” với Debenedetti vài tháng trước đó, mọi việc mới được sáng tỏ.
Debenedetti lừa dối độc giả – điều mà đáng lẽ không thể chấp nhận. Nhưng ông giải thích những sáng tác của ông không phải để kiếm tiền, mà là một cuộc thử nghiệm xã hội, phản ánh sự kém cỏi của truyền thông. Không dừng ở đó, ông còn đem những trò lừa này lên Twitter.
Chân dung Debenedetti trong một bài viết về các trò lừa của ông trên báo Guardian năm 2012.
Debenedetti dành nhiều thời gian tìm kiếm nhân vật để mạo danh, đọc sách và nghiên cứu cuộc sống của họ để có thể đăng thông báo thất thiệt theo phong cách của các tài khoản thực. Chỉ trong hai năm 2010-2012, ông đã khiến cộng đồng Twitter tin ông là Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Ngoại trưởng Đức Steinmeier, Thủ tướng Italy Mario Monti, Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, Bộ trưởng Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev… Khi Debenedetti sử dụng tài khoản giả của Bộ trưởng Kolokoltsev để đưa tin Bashar al-Assad qua đời ngày 6/8/2012, giá dầu thô đã tăng vọt.
“Tôi chưa thấy chán. Tôi tiếp tục tạo các tin thất thiệt vì mỗi ngày, mỗi tuần, vì vẫn có những người tin và vẫn có những nhà báo đăng lại tin giả mạo của tôi”, ông nhấn mạnh.
Một số nhà phân tích nhận định Debenedetti nói dối, nhưng đã phản ánh một sự thật: bất cứ sự vi phạm nào, nếu giúp nhiều người mua vui và giải trí, thì có thể được tha thứ. Còn Debenedetti vẫn đang được mệnh danh là kẻ phát tán tin thất thiệt sáng tạo và thành công nhất trên Twitter.
Châu An