Sau khi một vài ứng dụng bị phát hiện dùng bản đồ có “đường lưỡi bò” và bị tẩy chay, nhiều người dùng ở Việt Nam bắt đầu cảnh giác hơn với các thiết bị di động.
Thời gian gần đây, trên báo chí, diễn đàn, mạng xã hội thi thoảng lại rộ lên thông tin ứng dụng này, sản phẩm kia có đường lưỡi bò (đường nét đứt bao lấy vùng biển Đông mà Trung Quốc tự nhận là của mình). Trên Facebook, khá nhiều hội được thành lập như Hội những người phản đối “đường lưỡi bò”, Hội những người đả đảo “đường lưỡi bò”… Điển hình, sau khi ứng dụng WeChat của Trung Quốc bị người dùng tẩy chay vì sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò, người dùng ở Việt Nam lại tiếp tục phát hiện các ứng dụng quốc tế như WhatsApp, Line,… cũng sử dụng loại bản đồ nói trên trong bản tiếng Trung. Mới đây, một số độc giả phản ánh với VnExpress.net về tình trạng điện thoại thương hiệu Trung Quốc cài sẵn các ứng dụng sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò.
Theo tìm hiểu của VnExpress.net, bản đồ có đường lưỡi bò thường được sử dụng trong các sản phẩm dành cho thị trường nội địa Trung Quốc. Cụ thể, với các phần mềm, ứng dụng, game, bản đồ có đường lưỡi bò xuất hiện trên các phiên bản tiếng Trung. Nếu sử dụng ứng dụng phiên bản quốc tế (tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ nào khác), các bản đồ lập tức không còn đường lưỡi bò. Cụ thể, với ứng dụng Wechat, hình ảnh đường lưỡi bò hiển thị rõ ràng trên phiên bản tiếng Trung có tên Weixin. Đại diện một đơn vị phát triển ứng dụng di động cho biết, thông thường, các ứng dụng có liên quan đến bản đồ sẽ được tích hợp bản đồ của bên thứ ba chứ bản thân họ cũng không tự làm bản đồ. Vì vậy, nếu ứng dụng có xuất hiện bản đồ đường lưỡi bò là từ bên làm bản đồ chứ bản thân nhà phát triển ứng dụng không cố tình đưa vào. Ngoài ra, các nhà phát triển ứng dụng lớn của Trung Quốc cũng thường có nhiều phiên bản khác nhau dành cho thị trường nội địa (thường sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò) và phiên bản quốc tế (không có đường lưỡi bò).
Một đặc điểm của thị trường Trung Quốc là luôn ưu tiên sử dụng sản phẩm nội. Vì vậy, rất nhiều thiết bị di động, bất kể thương hiệu Trung Quốc hay nước ngoài như Sony, Samsung iPhone, iPad… nếu là sản phẩm dành cho thị trường nội địa Trung Quốc cũng đều được can thiệp để cài các ứng dụng nội địa, ví dụ như dịch vụ tìm kiếm và bản đồ của Baidu thay cho Google và Google Maps. Nhưng nếu là thiết bị dành cho thị trường Hồng Kông, Đài Loan hay các nước khác ngoài Trung Quốc hoặc phiên bản quốc tế, bản đồ cài trên các thiết bị này sử dụng bản quốc tế và không còn đường lưỡi bò.
Để tránh dùng bản đồ có đường lưỡi bò, người dùng lưu ý một số điểm: Ở thiết lập máy trong Setting (cài đặt), mục Language & Region (Ngôn ngữ & vùng), ở cả iOS và Android, người dùng chọn mục là Việt Nam (nếu có hỗ trợ) hoặc US-UK. Như vậy, các dịch vụ và cài đặt trên smartphone sẽ hỗ trợ cho người dùng Việt Nam hoặc quốc tế, thay vì hỗ trợ cho riêng Trung Quốc.
Trường hợp trong máy có các ứng dụng bản đồ được cài đặt sẵn bị dính đường lưỡi bò, người dùng có thể chuyển sang ứng dụng thay thế bằng cách tải về miễn phí trên App Store (iPhone) hoặc Google Play (Android) như Google Maps, Nokia Here Map… Lưu ý, đăng nhập bằng tài khoản (ID/Account) của chính mình, tránh sử dụng Account có sẵn trên máy nếu không App Store hay Google Play lại tài về phiên bản dành cho Trung Quốc.
Người dùng cũng nên mua các thiết bị di động có nguồn gốc chính hãng, tránh mua hàng xách tay. Nếu chấp nhận hàng xách tay không nên chọn xách từ Trung Quốc vì các thiết bị này thường được tích hợp sẵn từ nhà sản xuất, ngay cả khi “reset” (cài đặt lại) cũng không loại bỏ được. Trường hợp “cao thủ” tìm được bản ROM quốc tế cài vào mới “trị” được.
Trên thị trường hiện có khá nhiều các smartphone, máy tính bảng chạy Android của Trung Quốc được bày bán. Các máy này đều cài sẵn kho ứng dụng Android tiếng Trung Quốc. Khi mua máy người bán mới cài lại toàn bộ sang tiếng Anh hoặc tiếng Việt. Tuy nhiên, người dùng cũng nên lưu ý rằng việc không sử dụng bản đồ có thể làm ảnh hưởng một số tính năng do ứng dụng này được liên kết trực tiếp với nhiều dịch vụ khác trên thiết bị, nếu không dùng bản đồ thì các ứng dụng còn lại cũng không hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn đó là các ứng dụng do các hãng tự phát triển cho chính smartphone của mình, số ứng dụng này không nhiều. Phần đa người dùng có thể sử dụng các chương trình khác thay thế có trong kho ứng dụng của Android.
Theo Số Hoá