Tiến thoái lưỡng nan…
Tại cuộc hội thảo gần đây nhất về dịch vụ OTT (Over The Top) trong khuôn khổ Vietnam Telecomp 2013, đại diện các nhà mạng Việt Nam đều khẳng định chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chặn OTT. Như vậy, phương án có khả năng là nhà mạng tính tới việc cho ra đời gói cước OTT hay thu thêm phí người dùng khi sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, ngay khi mới ở dạng ý tưởng, kế hoạch tận thu này đã bị cư dân mạng “ném đá” dữ dội vì bắt họ phải trả tiền cho một dịch vụ đang được dùng miễn phí và cũng không thuộc quyền sở hữu của nhà mạng.
Chưa hết, dự kiến thu phí OTT có thể còn vấp phải những vấn đề pháp lý mang tính quốc tế khó giải quyết. Lãnh đạo một thương hiệu OTT nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam bình luận: “Nếu bắt người dùng phải trả thêm tiền mới được sử dụng OTT thì nhà mạng hay các nhà quản lý chính sách ở Việt Nam sẽ phải giải thích thế nào với cộng đồng quốc tế khi mà cả thế giới được xem Youtube và gửi iMessege (trên iPhone) miễn phí, còn Việt Nam thì phải trả thêm tiền? Nếu nhà mạng dùng vị thế độc quyền của mình về 3G để thu thêm tiền khách hàng sử dụng OTT vốn là một dịch vụ miễn phí trên internet của nhà cung cấp khác, thì không biết hệ lụy bất lợi gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với người tiêu dùng.
Đại diện một nhà mạng tại Việt Nam cho biết, việc ra gói cước OTT (một dạng thu phí bổ sung với người dùng) cần được cân nhắc kĩ bởi cước 3G vừa tăng mạnh từ ngày 16/10/2013. “Cước 3G vừa tăng xong mà lại tiến hành thu phí đối với một dịch vụ đang được miễn phí trên thế giới và được thuê bao di động ở Việt Nam dùng nhiều là việc khá nhạy cảm. Ngoài ra, việc thu phí hoặc chặn công khai hay ngấm ngầm đối với các ứng dụng OTT có thương hiệu lớn như Viber, Line, Skype, Facebook Messenger… sẽ phải tính kỹ tới phản ứng của cộng đồng quốc tế. Đây sẽ là một vấn đề đau đầu của các mạng di động lớn”, vị lãnh đạo này bình luận.
Nhiều thách thức về phương án hợp tác
Trên thực tế, dự kiến thu phí người dùng OTT của nhà mạng chủ yếu hướng vào các ứng dụng có thể thay thế dịch vụ mang lại nguồn thu chính (thoại và SMS) của nhà mạng như Viber, Line, Zalo, Skype, Kakao Talk… Còn các sản phẩm khác như Youtube, Netflix… giúp các mạng di động “đốt” băng thông 3G lớn và không đe dọa đến “nồi cơm” của họ thì vẫn sẽ được khuyến khích.
Thế nhưng, vấn đề là không thể tách riêng để phân biệt đối xử OTT này thì thu phí còn OTT kia thì không. Còn nếu thực hiện chính sách thu phí người dùng OTT nói chung trên di động (ngoài cước 3G) thì việc đó sẽ trở thành một cú sốc nặng đối với người dùng Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Bởi vào thời điểm này, chưa có quốc gia nào cho phép thực hiện việc thu phí người dùng OTT.
Bộ TTTT đã có chỉ đạo là phải công khai, minh bạch, công bằng trong quản lý OTT, không thể đưa ra chính sách quản lý mà chỉ thỏa thuận riêng với nhà mạng hoặc nhà cung cấp dịch vụ OTT. Bên cạnh đó, việc đối xử, hợp tác phải đảm bảo công bằng, bình đẳng đối với các nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước và nước ngoài. Trong tình hình hiện nay đang có thông tin cho rằng nhà mạng chọn OTT này (mà chủ yếu là OTT nước ngoài) gạt OTT kia có nguy cơ khiến các OTT Việt thua ngay trên “sân nhà”, thì việc thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ TTTT đang trở thành một thách thức.
Tại Vietnam Telecomp 2013, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc tập đoàn Viettel – cho rằng: “Hợp tác và chia sẻ doanh thu với doanh nghiệp OTT là lối thoát cho nhà mạng”. Nếu nhận xét thuần túy về phát biểu này thì đây quả là một triển vọng tích cực. Tuy nhiên trên thực tế, phương án hợp tác như thế nào thì vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng, nếu không muốn nói là mờ mịt.